Ra ngoài tìm cơ hội đổi đời
Hơn 7 năm trước, Nguyễn Văn Tùng (28 tuổi, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) quyết định rời quê sang Đài Loan làm việc. Hành trang của chàng trai trẻ khi ấy chỉ có vài bộ quần áo cũ, một khoản nợ khổng lồ và một ý chí quyết tâm làm giàu để báo hiếu bố mẹ.
“Năm đó mình chọn đi Đài Loan một phần vì có người quen đang làm bên đó, một phần vì nước bạn không yêu cầu cao với ứng viên, tài chính trong khả năng gia đình có thể xoay sở và thời gian làm hồ sơ, học tiếng chỉ 2-3 tháng là bay được nên mình đề xuất với bố mẹ”, Tùng nói về quyết định thay đổi cuộc đời.
Tại Đài Loan, Tùng được bố trí làm trong xưởng cơ khí ở thành phố Cao Hùng với thu nhập từ 23-25 triệu đồng/tháng. Trừ hết chi phí ăn ở, đi lại anh vẫn dành được 15 triệu gửi về Việt Nam để ba mẹ trả nợ dần món nợ 130 triệu đồng.
Ở nơi đất khách quê người, Tùng mới nhận ra kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng. Anh tâm sự, tiền gửi về được bao nhiêu tiền thì mọi người biết bấy nhiêu, còn khó khăn, vất vả thì cố giấu, chẳng để ai thấy.
“Lúc ngồi trên máy bay, tôi háo hức lắm nhưng sang rồi mới biết làm việc ở Đài Loan không phải màu hồng như mọi người tưởng. Ở đó, cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn mà có trải nghiệm thực tế mới mường tượng được.
Người Việt mình mới sang thường bị phân biệt đối xử. Tại nơi làm việc, công nhân bản địa chọn làm việc nhẹ, còn việc nặng nhọc đến tay lao động “nhập ngoại”. Nhiều lao động khi mới qua đây chưa quen việc, đi làm muộn bị phạt, bị giảm lương, thậm chí sa thải.
Và công việc cơ bản là phải tăng ca mới có tiền nên khi đã đặt chân sang đây rồi, khó mấy cũng phải cố “cày” kiếm tiền”, Tùng kể.
Dù công việc khá vất vả, thường thức khuya dậy sớm tăng ca nhưng Tùng vẫn thấy mình may mắn vì được công ty trả lương, đóng bảo hiểm đúng theo quy định. Đi lao động “chính ngạch” dù sao vẫn hơn nhiều những người phải “tự bơi” hoặc bỏ việc giữa chừng, ra ngoài làm chui.
“Chuyện lao động sang bên này tìm cách ra làm ngoài xảy ra như cơm bữa, dù biết là vi phạm pháp luật.
Lúc mới sang mình được trả lương cứng 14 triệu, chưa tính tiền tăng ca. Cộng lại thì thu nhập năm đầu tiên của mình đều hơn 20 triệu đồng/tháng. Công ty tăng lương hàng năm nên hiện nay, sau 7 năm làm việc, lương cứng của tôi hiện cũng đã hơn 21 triệu đồng, chưa kể tăng ca.
Lúc đi mình cũng nghĩ ở nhà chưa biết bao giờ mới tiết kiệm được vài trăm triệu chứ nói gì đến việc xây nhà cho bố mẹ. Còn đi sang Đài Loan lao động, chỉ 2-3 năm là vừa trả hết được nợ lúc vay để đi, ngoài ra còn để dư được ít vốn, khi đó muốn làm gì cũng không phải đắn đo”, Tùng tự tin nói.
Hết 3 năm hợp đồng, Tùng gạt đi kế hoạch về nước như dự tính ban đầu bởi công việc ở Đài Loan vẫn ổn định. Anh cũng được chủ công ty gia hạn hợp đồng làm việc thêm 3 năm. Tùng nhận lời vì tài khoản tiết kiệm của anh khi đó chỉ có vài trăm triệu, anh nghĩ về Việt Nam giờ với số vốn như vậy nếu xây nhà vẫn phải vay mượn.
“Công việc những năm sau đó của tôi tương đối thuận lợi, có được người chủ tốt, được tăng lương, tăng ca theo đúng thỏa thuận, hợp đồng nên số tiền dành dụm gửi được về quê cũng nhiều hơn”, Tùng phấn khởi.
Và Tết Quý Mão vừa qua, cả gia đình nam công nhân đã được đoàn tụ trong ngồi nhà mới bề thế, xây bằng tiền anh làm ở nước ngoài. Theo đúng trình tự, Tùng cũng vừa lập gia đình, chuẩn bị cho bước trở về lập nghiệp cuối năm nay.